Sâm dây Ngọc Linh (Đảng sâm) – Tác dụng, cách dùng và các bài thuốc chữa bệnh hiệu quả

Hỗ trợ HRV
Th 2 16/05/2022

Đẳng sâm hay còn được biết đến với cái tên khác là đảng sâm, sâm dây ngọc linh....một thảo dược quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc. Dược liệu này còn được sử dụng thay cho nhân sâm với nhiều công dụng như tăng sức đề kháng, tốt cho hệ tim mạch, chống viêm, kháng khuẩn,… hiệu quả. Đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về tác dụng, cách dùng cũng như những lưu ý khi sử dụng thảo dược này.

Những điều cần biết về cây đẳng sâm

Đẳng sâm không chỉ được biết đến tại Việt Nam rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng nghiên cứu về thảo dược này. Dưới đây là những thông tin tổng quan về cây đẳng sâm được ghi chép trong các tài liệu:

  • Tên gọi khác: đảng sâm, lộ đảng sâm, bạch đẳng sâm, điều đảng sâm, đẳng sâm bắc, đẳng sâm nam,…
  • Tên khoa học: Codonopsis pilosula Nannf
  • Thuộc họ: Hoa Chuông (có tên khoa học là Campanulaceae)

Một số đặc điểm nhận dạng nổi bật của đẳng sâm như sau

  • Là loài cây thân thảo, sống lâu năm và thường mọc thành những cụm lớn.
  • Thân cây nhỏ, màu hồng tía hoặc tím sẫm, quấn leo vào những loài thực vật khác để vươn lên hấp thụ ánh sáng mặt trời. Bên mặt thân được bao phủ bởi lớp lông tơ trắng, ngắn nhưng thưa thớt.
  • Lá cây có hình lưỡi mác, mọc đối xứng với thân và có một lớp lông nhung trắng mịn. Mỗi phiến lá thường dài từ 3 – 8cm, rộng khoảng 2 – 4cm và có màu xanh phớt vàng.
  • Hoa đẳng sâm có màu xanh nhạt, ngả vàng rất đẹp mắt. Đài hoa to, có hình chuông, mọc đơn lẻ từ các nách lá. 
  • Quả cây đẳng sâm có màu xanh đậm, hình chùy, kích thước khoảng bằng đốt ngón tay, đài ngắn. Bên trong có nhiều hạt bóng, nhẵn có màu nâu đậm.
  • Củ đẳng sâm mọc sâu dưới lòng đất khoảng chừng 50 – 70cm, nhẵn, có màu nâu nhạt và nhìn giống như củ nhân sâm. Đây chính là bộ phận được khai thác nhiều nhất trong Đông y. 

Khu vực phân bố chủ yếu

Đẳng sâm có sức sống khỏe, mọc hoang ở nhiều khu vực trung du, miền núi. Thảo dược này được tìm thấy tại nhiều vùng của Trung Quốc như: Sơn Tây, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Quý Châu, Hồ Bắc,…

Tại Việt Nam, vị thuốc đảng sâm được phát hiện ở vùng núi phía Bắc như: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Kontum, Quảng Nam… và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên. Chất lượng của đẳng sâm Việt Nam cũng không thua kém so với đẳng sâm Trung Quốc.

Ngày nay, với giá trị sử dụng cao nên dược liệu được trồng tại các vườn thảo dược, hộ gia đình. Hàm lượng dược chất của đảng sâm trồng nhân tạo cũng không có nhiều khác biệt với đẳng sâm rừng.

Thu hái và bào chế

  • Bộ phận được dùng trong Đông y phổ biến nhất là củ đẳng sâm. Kích thước củ phụ thuộc vào độ tuổi của cây. Thông thường, người ta chỉ thu hái khi cây đã đủ từ 1 – 2 năm tuổi, nếu để quá lâu chúng có thể bị hóa gỗ, không còn nhiều dược chất.
  • Thời điểm thích hợp nhất trong năm để thu hoạch là vào mùa đông, khi cây đã rụng hết lá hoặc có thể là đầu xuân. Rễ và củ của cây thường nằm sâu trong lòng đất nên khi lấy cần đào rộng và sâu khoảng 1m để tránh làm đứt, gãy. 

Sau khi hái về đem đẳng sâm rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất, đất cát bẩn rồi tiếng hành bào chế. Trong Đông y, có hai cách bào chế phổ biến như sau:

  • Cách 1: Dược liệu thu về mang phơi âm can (phơi trong bóng râm), lăn se cho phần vỏ liền với phần thịt củ. Khi cần dùng thì lấy một phần vừa đủ, thái mỏng sao với đất hoàng thổ hoặc cám đến khi vàng đều là được.
  • Cách 2: Sau khi rửa sạch bụi bẩn tiến hành ngâm nước 1 đêm rồi bào mỏng 1 – 2 ly, tẩm nước gừng để khỏi nê tỳ, bớt hàn. Cuối cùng mới tiến hành sao khô. 

Ngoài ra, một số dạng bào chế khác của thảo dược này như viên uống đẳng sâm nang, ngâm rượu hay đẳng sâm ngâm mật ong,… để sử dụng lâu dài.

Vị thuốc đẳng sâm có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Trong một vài trường hợp, đẳng sâm được sử dụng thay thế cho nhân sâm bởi 2 dược liệu này có dược tính tương tự nhau. Các tác dụng của đẳng sâm đã được nền y học chứng minh rõ ràng.

Theo y học cổ truyền

Đảng sâm là vị thuốc được sử dụng rộng rãi từ nhiều thế kỷ trước đây. Trong các cuốn sách Đông y cổ như Bản thảo Tùng Tân, Trung dược Đại từ điển,… vị thuốc này có vị ngọt, tính bình và quy vào 2 kinh là Tỳ, Phế. Đồng thời có khả năng chủ trị nhiều chứng bệnh phải kể đến như:

  • Bổ tỳ, ích khí, sinh tân và chữa chỉ khát.
  • Thanh phế, trị phế hư, ích phế khí.
  • Trị tỳ vị hư, khí huyết suy yếu, kiết lị, thoát giang.
  • Chữa tiêu chảy do tỳ hư, vàng da do huyết hư, rong kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu.

Theo y học hiện đại

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng trong đẳng sâm có chứa nhiều hợp chất quý hiếm tốt cho sức khỏe, điển hình như: Sucrose, Choline, Insulin, Alkaloid, Fructose, Mannose, Xylose, Glucoside,… 

Dưới đây là những công dụng tuyệt vời mà các hoạt chất này mang đến cho sức khỏe

  • Đối với hệ miễn dịch: Các thực nghiệm đã khẳng định dược liệu này có khả năng tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống mệt mỏi, cân bằng hoạt động của vỏ não,…
  • Đối với dạ dày: Đẳng sâm khô hay tươi đều có tác dụng kháng viêm rất tốt, từ đó bảo vệ niêm mạc và ngăn ngừa tình trạng viêm loét dạ dày diễn biến phức tạp.
  • Đối với hệ tim mạch: Chiết xuất từ đẳng sâm giúp cân bằng huyết áp, tăng cường tuần hoàn máu đến các chi và não bộ. Đồng thời làm tăng số lượng hồng cầu, đào thải các cholesterol xấu, phòng ngừa xơ vữa động mạch, các cơn đau tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não,…
  • Đối với hệ hô hấp: Sử dụng thảo dược này thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa, điều trị các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, lao, làm thuyên giảm các triệu chứng ho, ho có đờm, đau rát cổ họng,…

Một số tác dụng nổi bật khác: Vị thuốc đảng sâm còn có nhiều công dụng khác phải kể đến như: giảm căng thẳng, mệt mỏi, an thần, hỗ trợ điều trị ung thư, tăng tiết sữa mẹ, điều hòa huyết áp,…

Những cách dùng đẳng sâm dược liệu hiệu quả tốt nhất

Trong Đông y, đảng sâm có nhiều cách sử dụng đa dạng và tùy vào từng mục đích chữa bệnh cụ thể. Dưới đây là một vài cách dùng đẳng đẳng sâm đơn giản mang đến hiệu quả tốt nhất, an toàn khi sử dụng.

Bài thuốc chữa viêm phế quản, lao phổi, ho lâu ngày

  • Chuẩn bị dược liệu gồm: đảng sâm, ý dĩ, hoài sơn mỗi vị 16gr, 12gr bạch truật, xuyên tiêu 6gr cùng trần bì, bán hạ chế mỗi vị 8gr. 
  • Sắc tất cả dược liệu với khoảng 600ml nước. Đến khi cô cạn thì lọc bỏ bã chắt lấy nước uống.
  • Mỗi ngày uống một lần và kiên trì sử dụng đến khi các dấu hiệu bệnh thuyên giảm. Thời điểm tốt nhất để uống là vào buổi sáng sau khi ăn.

Bài thuốc giúp cải thiện chức năng sinh lý, tỳ yếu

  • Chuẩn bị dược liệu: Đẳng sâm, thục địa mỗi vị 375gr cùng tá dược vừa đủ.
  • Đem dược liệu tán thành bột mịn, sau đó tẩm mật vo thành những viên nhỏ.
  • Đối với người trưởng thành có thể uống 3 lần/ngày, mỗi lần 40 viên. Đối với trẻ nhỏ nên uống 2 lần/ngày, mỗi lần 20 viên và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Bài thuốc giúp tăng cường sức khỏe

  • Đối với những người ốm lâu ngày, đang điều trị bệnh, người cao tuổi có thể sử dụng bài thuốc dưới đây để tăng cường sức khỏe:
  • Các dược liệu gồm: đẳng sâm 40gr, long nhãn, đương quy, mạch môn, ngưu tất mỗi vị 12gr và có thể thêm từ 4 – 8gr nhân sâm.
  • Đem tất cả dược liệu sắc kỹ với nước, chia thành 2 lần uống trong ngày. Đồng thời nên sử dụng khi còn ấm vào buổi sáng, tối sau bữa ăn.

Bài thuốc chống suy nhược thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi

  • Chuẩn bị: củ đẳng sâm, mạch môn mỗi vị 12gr cùng với 8gr ngũ vị tử.
  • Sắc với khoảng 500ml nước đến khi cô cạn còn một nửa thì chắt lấy nước uống trong ngày.
  • Mỗi ngày sử dụng 1 thang sau khi ăn no và nên uống khi nước thuốc còn nóng ấm.

Bài thuốc giúp cân bằng huyết áp

  • Dược liệu cần chuẩn bị gồm: đẳng sâm, cam thảo mỗi vị 6gr, đại táo 10 quả, nhục quế 10gr và 12gr hoàng tinh.
  • Bỏ các nguyên liệu vào ấm sắc cùng với 500ml nước đến khi cô cạn thì chắt lấy nước uống. 
  • Thực hiện 1 lần/ngày và kết hợp vừa uống nước thuốc vừa ăn quả đại táo để khai thác hết dưỡng chất.

Sử dụng đẳng sâm trong các món ăn

  • Không chỉ là dược liệu chính trong các bài thuốc, đảng sâm còn được dùng làm nguyên liệu trong các món ăn bổ dưỡng. Một vài món ăn được sử dụng phổ biến hiện nay như: cháo đẳng sâm, súp đẳng sâm, salad, canh hầm, đẳng sâm xào, nước cốt đẳng sâm...

Những lưu ý khi sử dụng dược liệu đẳng sâm

Để mang đến quá trình sử dụng hiệu quả, an toàn, người dùng cần lưu ý những điều sau đây:

  • Những đối tượng không nên sử dụng: phụ nữ có thai hoặc cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi, người bị khí trệ hỏa vương, dị ứng với các thành phần có trong bài thuốc.
  • Không nên sử dụng dược liệu kèm với hải sản, củ cải, trà xanh.
  • Không được tự ý điều chỉnh liều lượng bài thuốc hay thêm bất kỳ dược liệu nào khác.
  • Kiên trì sử dụng trong thời gian nhất định để thấy được những công dụng của đẳng sâm.

Trên đây là những thông tin tổng hợp về đẳng sâm mà bạn nên biết trước khi sử dụng. Hy vọng qua bài viết này có thể giúp bạn tìm được bài thuốc hữu ích đối với sức khỏe.

Nguồn: https://www.dongyvietnam.org/duoc-lieu/dang-sam