Gừng và những công dụng có ích cho sức khỏe của con người

Huế Anh
Th 7 03/12/2022

Gừng hay còn gọi là sinh khương, can khương... Đây là một loại thực vật được sử dụng phổ biến như một loại gia vị trong ẩm thực và là dược liệu chữa bệnh.

Dưới đây là một số đặc điểm về cây thuốc, khu vực phân bố, thành phần hóa học, cách thức thu hoạch và bào chế thuốc từ loại cây này.

Theo y học cổ truyền:

Sinh khương (Gừng tươi): Hoạt huyết, kích thích lưu thông máu, tăng cường sản sinh dịch vị, hưng phấn ruột, thúc đẩy tiêu hóa. Chủ trị cảm lạnh, ho do lạnh, viêm họng, buồn nôn, hôi nách, say tàu xe, cảm lạnh, ho có đờm, viêm phế quản, khàn tiếng, đau họng, đau dạ dày…

Can khương (Gừng khô): Gừng khô giúp làm ấm dạ dày. Chủ trị tỳ vị hư hàn, đau bụng, ho có đờm do lạnh, thổ tả hay trướng bụng.

Thán khương (Gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính): Dược liệu này có tác dụng chỉ huyết, cầm máu cho đường ruột. Khi tẩm đồng tiện có tác dụng làm ấm can thận và giáng hư hỏa.

Khương bì (Vỏ gừng tươi): Có tác dụng lợi tiểu. Dùng kết hợp với các dược liệu khác có tác dụng chữa phù thũng.

Công dụng của gừng theo y học hiện đại:

Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra nhiều tác dụng của gừng đối với sức khỏe như:

Ở đường hô hấp: Ức chế virus hợp bào ở đường hô hấp. Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng ho, khó thở, sưng đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi và các triệu chứng liên quan đến bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hen suyễn, viêm họng hay viêm phế quản.

Ở đường tiêu hóa: Gừng có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm viêm ở niêm mạc ruột, chống trào ngược dạ dày thực quản, xoa dịu cơn đau bụng, đau dạ dày. Bên cạnh đó, thảo dược này cũng giúp thúc đẩy tiêu hóa, giảm ợ chua, khó tiêu.

Trên hệ tuần hoàn: Một số hoạt chất trong gừng có khả năng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, đồng thời giảm cholesterol trong máu.

Với hệ cơ xương khớp: Gừng giúp giảm đau nhức xương khớp. Đặc tính chống viêm của dược liệu này cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp, phong thấp, bệnh gout và nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ xương khớp.

Ở hệ thần kinh: Gừng có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, chóng mặt, xoa dịu cơn đau đầu.

Các tác dụng khác: Ngăn ngừa tiểu đường, chống say tàu xe, hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa ung thư, tăng cường sinh lý.

Bài thuốc có vị sinh khương

  • Trị cảm mạo phong hàn: Sinh khương 5 lát, Tử tô diệp 1 lượng. Sắc nước uống. (Bản thảo hối ngôn)
  • Trị ho đàm lạnh: Sinh khương 2 lượng, Dương đường (đường kẹo mạch nha) 1 lượng. Nước 3 chén, sắc còn nửa chén, ấm và thong thả uống. (Bản thảo hối ngôn)
  • Trị hoắc loạn tâm bụng trướng đau, phiền đầy ngắn hơi, chưa được thổ hạ: Sinh khương 1 cân. Cắt, dùng nước 7 thăng, nấu lấy 2 thăng, phân làm 3 lần uống. (Trửu hậu phương)
  • Trị trúng khí hôn quyết, cũng có đàm bế: Sinh khương 5 chỉ, Trần bì, Bán hạ, Mộc hương đều 1, 5 chỉ, Cam thảo 8 phân. Sắc nước uống, lúc uống thêm đồng tiện (nước tiểu bé trai) 1 chén. (Bản thảo hối ngôn)
  • Trị rét lạnh thời hành: Sinh khương 4 lượng, Bạch truật 2 lượng, Thảo quả nhân 1 lượng. Nước 5 chén to, sắc đến 2 chén, lúc chưa phát uống sớm. (Bản thảo hối ngôn)
  • Trị đái dầm ở trẻ nhỏ: Gừng tươi 30g, Bào phụ tử 6g, Bổ cốt chi 12g, đắp rốn, điều trị 25 ca trẻ con đái dầm, đều thu hiệu quả tốt. (Tạp chí Trung y Triết Giang, 1984,(2):Phong Tam)
  • Phòng say xe: Giã nhỏ gừng tươi một lượng vừa đủ, đắp bên ngoài huyệt nội quan, dùng vải quấn chặt khi đi xe có tác dụng phòng ngừa say xe. (Y học đại chúng, 1980,(9):7)
  • Chữa ngoại cảm, bụng trướng đầy, nôn mửa, ho: Gừng tươi rửa sạch, giã nhỏ, ngâm với rượu trắng, mỗi ngày dùng 2-5ml xoa vào bụng.
  • Dùng trị ho: Dùng gừng phối hợp với Chanh quả, củ Sả, mỗi thứ 10g, thái nhỏ ngâm với 5g muối và xirô đơn (vừa đủ 100ml) trong 3 ngày rồi dùng vải vắt kiệt lấy nước, đựng trong lọ kín. Dùng uống trị ho, ngày 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa canh. Trẻ em dùng bằng nửa liều người lớn.
  • Chữa lạnh chân tay, cước chân tay vào mùa đông: Rễ lá lốt, gừng tươi đun nước ngâm chân, có thể cho thêm ít muối khi ngâm.
  • Dùng trà gừng cho trường hợp bị tụt huyết áp: Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, xay nhuyễn, đem nấu với đường kính. Cho vào lọ thủy tinh dùng dần. Khi bị tụt huyết áp, cảm lạnh có thể pha với nước ấm để uống.

*Kiêng kỵ:

  • Không dùng vị thuốc này khi âm suy kìm vượng nhiệt bên trong.
  • Sinh khương trợ hỏa thương âm, cho nên người nhiệt thịnh và âm hư nội nhiệt kỵ uống. (Trung dược học)
  • Ăn gừng lâu, tích nhiệt mắt bệnh. Phàm người bệnh trĩ ăn nhiều kiêm rượu, lập tức phát bệnh nhanh. Người ung nhọt ăn nhiều thì sinh ác nhục. (Sách cương mục)
  • Bệnh nhân huyết áp cao không nên dùng gừng (vì gừng có tác dụng làm tăng huyết áp)